CHINH PHỤC ĐỈNH SƠN TRÀ - ĐÀ NẴNG BẰNG XE MÁY


Đà Nẵng vốn được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều, núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi. Phía Bắc được che chắn bởi đèo Hải Vân, một cửa ải vô cùng quan trọng ngăn những luồng không khí lạnh nặng nề từ phương Bắc tràn xuống vào những ngày mùa đông. Phía Tây Đà Nẵng là dãy núi Nam Trường Sơn, nối liền với dãy Hoành Sơn ở phía Bắc tạo thành một vòng cung ôm lấy thành phố để hạn chế tối đa những luồng gió Lào nóng rát những ngày hè. Phía Đông là mẹ biển cả bao đời che chở, mang lại cho Đà Nẵng sự quyến rũ đặc biệt, chếch về hướng Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà bảo bọc cho thành phố khỏi những cơn giận của đại dương. Sự ưu ái lớn của thiên nhiên được người Đà Nẵng tri ân, khắc sâu vào bao thế hệ “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi, Đà Nẵng ơi tình người, Đà Nẵng ơi tình đời…”.


Đà Nẵng lung linh trong đêm. Ảnh: Internet 


Đà Nẵng, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào nhưng với rất nhiều người, đó là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, một nơi vô cùng lý tưởng để hưởng thụ cuộc sống yên bình, môi trường trong sạch, nhịp sống nhẹ nhàng là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn. 1 trong 20 thành phố sạch nhất thế giới bởi lượng cac-bon thấp là một ghi nhận mà quốc tế trao cho Đà Nẵng, điều đó càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của thành phố biển này trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong nội dung bài viết này, hãy cùng chúng tôi khám phá một nét đặc sắc làm nên vẻ đẹp của Đà Nẵng, chinh phục đỉnh Sơn Trà.



Bán đảo Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: Internet 

Sơn Trà là tên một bán đảo, một cụm núi nhỏ thuộc quận Sơn Trà, nằm cách trung tâm Đà Nẵng chưa đến 10km về hướng Đông Bắc, diện tích khoảng 60km2, chiều dài 13km, nơi cao nhất là 693m so với mực nước biển. Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng tạo ra một trong những vịnh biển quan trọng nhất Việt Nam, đó là vịnh Đà Nẵng, hay còn gọi là Vũng Thùng. Đây chính là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi đổ bộ cho kế hoạch thôn tính Việt Nam năm 1858, cần biết thêm một đặc điểm rằng Đà Nẵng có vị trí địa lý hết sức quan trọng trong cơ cấu hình thành lãnh thổ Việt Nam, gần như nằm ở trung độ đất nước, giữa Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, trong những sách về chiến tranh, các nhà quân sự vẫn cho rằng nếu chiếm được Đà Nẵng thì có khả năng cao để chiếm được Việt Nam. Trở lại với Sơn Trà, nơi đây có 3 ngọn núi nhô cao, lần lượt ở phía đông nam là Hòn Nghê vì nó trông tựa con nghê nhìn ra biển, ngọn phía tây như mỏ diều hâu nên có tên là ngọn Mỏ Diều, và ngọn phía bắc vươn dài với tên gọi là Cổ Ngựa. Sơn Trà cũng được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên với gần 4.000 ha rừng, đây là nơi giao thoa giữa hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền nam bắc.

Có hai cách để chinh phục bán đảo. Một là chúng ta vượt cầu Thuận Phước – cầu văng dây võng dài nhất Việt Nam và bắt đầu chinh phục núi từ hướng tây qua hướng đông, kết thúc hành trình ở con đường biển xinh đẹp. Hai là từ trung tâm thành phố chạy ra hướng biển và đi theo chiều ngược lại từ đông sang tây. Lần này chúng ta đi theo phương án thứ nhất để cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố từ sự quyến rũ của núi rừng đến sự hấp dẫn của nét hiện đại.

Từ trung tâm thành phố, chạy xe dọc đường Bạch Đằng ra hướng bắc, chạy 3-2 đến cầu Thuận Phước, lên cầu và ngắm thành phố là trải nghiệm đầu tiên cho chuyến hành trình. Qua cầu đi về hướng cảng Tiên Sa một đoạn sẽ tới đường dẫn lên núi. Đường bắt đầu có những con dốc, từ nhẹ nhàng đến khó khăn, từ đường bằng phẳng đến những khúc cua khuỷu tay, thời tiết cũng có sự thay đổi theo hướng hạ nhiệt độ, hai bên đường là những mảng rừng đầu tiên của khu bảo tồn thiên nhiên. Với những ai lần đầu đến Đà Nẵng sẽ không ngờ rằng ở ngay bên cánh tay của thành phố sang trọng này là một khu vườn đầy ắp màu xanh, càng đi thời tiết càng mát mẻ mặc dù thời gian bạn đi có là mùa hè nắng nóng đi nữa. Chỉ sau khoảng 5 phút leo đường núi là bạn có thể dừng xe nghỉ ngơi một chút xíu, chọn một vị trí thoáng đãng để ngắm thành phố từ độ cao khoảng 100m, ở đây có một số biệt thự nhỏ từ ngày xưa để lại cho đến bây giờ. Nếu đi sớm bạn có thể bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy đi trên cung đường này, bao nhiêu năm qua người đàn ông đó vẫn âm thầm đi lại khu vực bán đảo này để chăm lo cho nghĩa trang "OSSUAIRE" (Đồi hài cốt) của những chiến binh liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã ngã xuống trong trận chiến những ngày đầu ở Việt Nam.




Đồi hài cốt. Ảnh: Internet 

Ngửa mặt nhìn lên cao để thấy cụm 3 radar nằm trên đỉnh núi, tiếp tục chạy xe hướng về phía đó, đến thẳng điểm dừng chân tiếp theo. Đó là chòi vọng cảnh thành phố nằm ngay dưới chân khu quân sự của Quân chủng phòng không không quân, một chú khỉ bằng xi-mang và tấm bia đá “Wellcome to Sơn Trà” sẽ đánh dấu vị trí dừng xe cho bạn, đứng từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn rất xa, bao quát toàn cảnh thành phố, dưới chân núi là dải đất nối Sơn Trà với vùng trung tâm, cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, vịnh Đà Nẵng,….




Tượng khỉ. Ảnh: Internet



Thành phố nhìn qua kẽ lá. Ảnh: Internet 



Bộ ba "Mắt thần Đông Dương". Ảnh: Internet 




Nhìn ngược lại hướng đông là 3 trạm radar 29 phòng không Việt Nam, trước đây nó được xây dựng bởi quân đội Mỹ, từng được mệnh danh là “cặp mắt thần Đông Dương”, nơi này có độ cao 621m so với mực nước biển, nhưng vì là khu vực quân sự nên bạn không thể lên đây tham quan. Vào những ngày trời nắng, từ những khu vực khác nhau của Đà Nẵng đều có thể thấy được cụm radar này, đó dường như là đăc điểm phân biệt Sơn Trà với những ngọn núi khác. Sau khi chụp ảnh chán chê tại khu vực này, chúng ta sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh Bàn Cờ, đỉnh cao nhất Sơn Trà. Bắt đầu từ đây chặng đường sẽ mang lại cho bạn những cảm giác rất khó để quên sau này, nhiều bạn trẻ khi đi Sơn Trà thường chỉ dừng lại ở đây chứ không dám tiếp tục lên Bàn Cờ vì đoạn đường này rất phức tạp và nguy hiểm. Đi xuống để đi lên. Đường nhỏ chỉ chưa đầy 3m, loang lổ những ổ gà lớn nhỏ chưa được sửa chữa vì không có nhiều người qua lại, một bên đường là núi, bên còn lại là vực, nếu đi vào những ngày trời nắng thì tương đối an toàn, nhưng vào ngày trời mát thì trên này ngập trong mây mù sương, mây bay phất phơ trước mặt tạo cho ta có cảm giác như đang ở thiên đường, nhưng nếu nặng hơn thì bạn phải bật đèn pha và tầm nhìn chỉ trong khoảng 2m về phía trước. Quan trọng nhất, nếu bạn nghĩ từ chân núi lên tới trạm radar là những con dốc thật ghê sợ thì kể từ đây sẽ là những con dốc đủ để bất kỳ một chiếc xe máy nào cũng phải đẩy bộ nếu không có chiến thuật phân phối sức hợp lý. Bạn phải rùng mình lao xuống con dốc thăm thẳm mà chẳng thấy được một chút gì phía trước, nếu đi xe số thì khi đổ những con dốc này bạn phải đưa về số 2, hoặc cả số 1 kết hợp với cả hai thắng để giảm tốc cho xe nếu không muốn lao đi với tốc độ của một quả tên lửa, hai mắt bạn phải căng ra để có thể nhìn được chỗ nào có chướng ngại vật, đèn xe của người đi ngược chiều, và dấu chỉ đường đi đúng nếu không muốn bị lạc vào rừng sâu. Cũng ở đoạn đường này bạn cũng sẽ bắt gặp những cánh rừng nguyên sinh, vài gốc đa to mấy người ôm, và cũng có thể gặp những đàn khỉ đu mình trên cây – nếu bạn may mắn. Nhớ tranh thủ hít căng phổi luồng không khí ở đây, vô cùng trong lành và cực kỳ mát mẻ.



Những con đường không thấy tương lai phía trước. Ảnh: Internet 







Một bản hiệu nhỏ và bãi đỗ cho vài chiếc xe bên lề đường là dấu hiệu cho bạn biết mình đã đến với đỉnh Bàn Cờ. Cứ thoải mái để xe ở dưới và theo những bậc đá leo lên đỉnh mà không sợ chiếc xe của mình “bốc hơi”. Tên đỉnh “Bàn Cờ” là đặt theo thực tế trên này có tượng một ông tiên màu trắng tao nhã, trước mặt là một bàn cờ tướng để sẵn, đối thủ của vị tiên vẫn còn bỏ ngỏ chờ những vị khách cao tay. Truyền thuyết kể lại rằng hai vị tiên đã bất phân thắng bại trong thế ngang cờ suốt nhiều ngày, bất ngờ một vị tiên vì phút lơ là nhìn các tiên nữ vui đùa nên thế cờ suy yếu, vị tiên buồn bực mới đá đổ bàn cờ xuống biển và bay về trời, chỉ còn lại một vị tiên ngồi đấy. Sau này người dân dựng lại bàn cờ và thế cờ, nhưng chỉ có một vị tiên vừa ngồi ngẫm thế cờ vừa đợi bạn trở về đánh tiếp. Trước đây bàn cờ là những quân rời, có thể di chuyển và đánh được, nhưng vì những vị khách tới đây đã đem về làm kỷ niệm nên bàn cờ mất dần quân, sau này ban quản lý bán đảo cho đúc liền quân cờ với bàn để tránh thất thoát. Đến Bàn Cờ ngoài việc phân tích thế cờ đang rất căng não của những vị tiên, du khách còn được dịp thả lòng mình với non cao bể rộng, với thành phố xinh đẹp đang hiện ra trước mắt. Phải nói rằng rất hiếm một nơi nào trên Đất nước được ưu ái như Đà Nẵng, và không phải ở đâu cũng có trời đất hội tụ như Sơn Trà, không khí mát lạnh thơm mùi rừng núi phả phần phật vào phổi, những làn mây cứ thi nhau lướt qua lướt lại, vơ tay bắt lấy những làn mây trắng rồi hít lấy hít để vào ngực, sương đậu ướt nhẹp cả mái tóc, từ đây đứng nhìn về thành phố thật không có gì sánh bằng, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên rằng “quá đẹp”. Không phải nơi nào khác, đó chính là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.


Thiên đường là đây có phải?. Ảnh: internet 



Lão tiên trầm tư trên đỉnh Bàn Cờ. Ảnh: Internet 


Du khách thích thú "thử tay". Ảnh: Internet 


Xe đã mát máy, người cũng đã thấm lạnh thì là lúc bạn tiếp tục lên đường hướng về Bãi Bắc. Đoạn đường càng lúc càng hiểm trở hơn cho những chiếc xe máy, một vài đoạn đi sâu vào rừng, một vài đoạn lại phóng tầm mắt nhìn ra biển khơi, thật ít có nơi nào như thế. Đến đường rẽ vào khu resort Inter continental đẳng cấp 5+ sao được quốc tế vinh danh với giải thưởng WTA (World Travel Awards) ở hai hạng mục: Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu Châu Á (Asia’s Leading New Resort) và Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam (Vietnam’s Leading Resort). Bạn có thể ghé vào đây tham quan và chụp ảnh lưu niệm.



Rồi tiếp tục đi thêm 5km nữa để đến với cây đa cổ thụ ngàn năm tuổi, theo truyền thuyết thì nơi đây từng là địa điểm các vị tiên lui tới vui chơi và được chăm sóc nên hình hài như bây giờ. Nằm ở nơi thường xuyên đón những cơn cuồng phong từ biển cả những cây đa vẫn còn đó như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt, với tầm cao khoảng 20m, chu vi thân lên đến 10m và có tới 26 rễ phụ mọc ra, dưới gốc đa còn có một am thờ, nơi đây các vị khách khi đến thăm thường thắp nén nhang cầu xin thánh thần che chở cho thành phố khỏi những thiên tai dịch bệnh….



Cây đa cổ thụ ngàn năm tuổi. Ảnh: Internet 



Loài khỉ có ở Sơn Trà. Ảnh: Internet 

Rời cây đa quay ngược trở lại resort sẽ có đường dẫn bạn xuống núi, đường Hoàng Sa bắt đầu từ đây. Chạy theo con đường này bạn có thể thỏa thích ngắm cảnh biển xanh thẫm từ trên cao thấp thoáng một vài chiến thuyền của ngư dân. Đến với chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, ngôi chùa đẹp và nổi tiếng linh thiêng. Chuyện kể rằng từ thời vua Minh Mạng ngư dân nơi đây phát hiện tượng Phật nằm trên bãi cát nên đêm về thờ tự, từ đó có tên là Bãi Bụt, kể từ đó vùng này mưa thuận gió hòa, làm ăn yên ả. Ngày nay đến với Linh Ứng, bạn dễ dàng nhận ra tượng phật bà trăng thanh thoát 67m cao nhất Việt Nam quay mặt ra hướng biển, vào những ngày trời nắng đẹp, nhiều nơi trong thành phố thấy Quan Âm tỏa ánh hao quang trên đầu, dường như che chở cho những đứa con đang lặn ngụp ngoài biển khơi. Bên cạnh tượng Phật Quan Âm, bạn cũng có thể chiêm bái nhiều công trình kiến trúc khác như tượng thập bát La Hán được trưng bày dọc sân chùa, chính điện chùa,…

Tiếp tục theo đường Hoàng Sa hướng về phía nam, bạn sẽ chạy qua một eo biển đẹp với rất nhiều tàu thuyền của ngư dân đang tập trung tại đây, bắt đầu dãi bờ biển “Một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” do tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ bầu chọn. Quay đầu nhìn lại phía sau, bạn sẽ thấy kỳ tích mà chính bạn đã vừa hoàn thành xong, đó là chạy dọc những đỉnh cao nhất của “lá phổi xanh thành phố” – Bán đảo Sơn Trà. Để từ đó bạn nhận ra rằng thành phố bạn đang đặt chân đến đẹp như thế nào.


Tượng Quan Âm cao 67m nhìn ra biển. Ảnh: Internet 




Bãi Bụt. Ảnh: Internet 

Kết thúc một ngày trải nghiệm chắc chắn sẽ là những giây phút vô cùng thoải mái ở bãi biển, hoặc là trong những hàng quán vỉa hè với mỳ quảng, bánh canh hay ốc hút, bò khô,….



Ốc hút - Món ăn vặt số 1 Đà Nẵng. Ảnh: Internet. 


Hậu Trần Công

0 nhận xét

Đăng nhận xét